Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Tùy bút Sài Gòn mùa mưa...

Trong ký ức của người miền Trung thì mùa mưa luôn là nỗi lo lắng về những phong ba sẽ mang đến cho quê hương, gia đình, con người nhiều lo lắng và mất mác... Mà Sài Gòn thì những cơn mưa rào mùa hạ thường gợi nhắc về một điều gì đó đã trải qua và chịu đựng, về những mùa mưa miền Trung bất tận với thời trai trẻ đã trôi qua trong ồn ào và đói kém. Một ngày như mọi ngày, đôi khi cảm nhận chút vô vị len lỏi, có lẽ con người ta lại bắt đầu tưởng nhớ lại…

1. Bạn bè. Ai ai cũng tập trung hết vào Thành phố Hồ Chí Minh này, mà miệng vẫn luôn quen với hai tiếng "Sài Gòn". Có đứa bon chen làm việc quần quật từ ngày đến tối, đến khuya khoắt mới về tới xóm trọ. Dù là làm việc bằng đầu óc hay chân tay thì cũng luôn cố gắng để có chút tiền gửi về quê cho gia đình. Nhưng đâu phải đứa nào cũng thế, có đứa vẫn cứ hàng ngày nai nịt gọn gàng hẹn hò những cô gái vào Sài Gòn này làm việc hay học hành để tán tỉnh và bắt đầu những cuộc dạo chơi mênh mang, đến lúc phải lâm vào tình trạng hỏi mượn tiền cho mỗi lần đi với gái. Trai trẻ mà, ai chả muốn hoành tráng trước người phụ nữ. Nhưng nhiều chàng trai cũng yêu bằng cả tấm chân tình và đơn giản lắm. Cũng chỉ dám “đến những quán cafe vỉa hè, vì sợ hụt tiền”. Có lẽ, tình yêu chân thực từ những cô gái xa quê, trọng cái tình, cái chân thực thì hiếm thật, nhưng có đó! cũng nhiều lần rồi tôi tự hỏi thế: “Có bao giờ em hối hận không / Khi lúc nào cũng đi với cái thằng ngồi vỉa hè”. Mà đúng hơn là cách nói của nhiều người: "Yêu chi cái thằng nhà nghèo, dân quê, rẻ tiền!".

Ôi, làm sao mà kể cho hết. Nhớ những cơn mưa rào mùa hạ, vậy mà thủy triều lên làm ngập những con đường, thì xóm trọ cũng không thoát khỏi mực nước len vào. Những hôm đi làm về phải lội bì bõm trong phòng, nhiều lúc phải ăn cơm đứng và ngủ đứng. Với cái giá rẻ tiền thì làm gì có giường, có gác như các căn đắt tiền...Trong khi cùng ở chung dãy với đa thành phần từ nơi khác đến. Thi thoảng, có anh chị đồng hương - vừa mới chuyển tới bán hủ tiếu gõ và ở trong xóm trọ với chúng tôi - khuya lơ khuya lắt mới nghe họ cọt kẹt kéo chiếc xe hủ tiếu về. Trông có vẻ, hai anh chị này cũng chịu khó làm ăn lắm, xa quê mà, ai cũng tranh thủ thức khuya dậy sớm để kiếm tiền lo cho cuộc sống. Hai vợ chồng bán cũng có duyên nên đông khách lắm. Vậy mà cũng có lúc hai vợ chồng cãi vã nhau trong đêm lớn tiếng, làm chúng tôi cũng phải giật mình thức giấc, lắng tai nghe xem chuyện gì. Đời thật khó nói được điều gì... Cùng đi bán với vợ, thừa lúc anh đi giao hủ tiếu cho khách anh vẫn lén hẹn hò với các cô gái được.

2. Sài Gòn được biết đến là "hòn Ngọc viễn Đông". Món gì cũng có, điều gì cũng sẵn! Nhưng thực sự thiếu một điều, đó là thành phố thiếu đi sự tĩnh lặng và hẳn sẽ không “nghỉ ngơi” được! Nhưng tôi muốn nói đến những quán ăn nhậu của đa thành phần, đen - trắng, giàu - nghèo xen lẫn. Có người, có bia rượu, đương nhiên có những cuộc gặp gỡ bạn bè thâu đêm suốt sáng. Có phải Thành phố Sài Gòn năng động là như vậy?


Ăn chơi.

Từ khi bước chân vào Sài Gòn với quán hủ tiếu gõ ở đầu hẻm nhỏ đường Thảo Điền, đối diện trường Đại học Văn hóa. Nhóm chúng tôi thường kéo đến đó không phải để ăn, mà thường là... nhậu. Tô hủ tiếu quen thuộc, với cảm giác “Mỗi đứa chung ít tiền lẻ/ Giao lưu tâm sự cười để buồn qua” những đứa chưa có người yêu trong cảnh mưa Sài Gòn làm chạnh lòng ai... Nhưng đến quán hủ tiếu gõ đó cũng không hẳn để nhậu (!). Tôi biết, nhiều anh đói run cả chân vẫn cố để mắt “xem” cô con gái chủ quán xinh xắn, hồn nhiên… Và trên con đường Thảo Điền với “hàng đèn điện len lói hai bên” như trong ca từ của Trịnh Công Sơn, những lần say khướt lảo đảo về trong đêm vẫn cứ bồng bềnh bồng bềnh suốt nhiều năm sau đó.

Sinh viên Sài Gòn, không riêng là trường nào cả, có quá nhiều giai thoại về ăn chơi, trai gái, đủ thể loại. Đi liệt kê những cuộc ăn chơi của các thế hệ đàn anh kể từ khóa đầu tiên, khác nào... nhảy xuống sông bắt cá! Và có cả những cuộc “rất may rủi”, kiểu như một chiều nào đó thầy P. ngang qua kí túc xá ngoắt hai ba cậu học trò bảo : “Theo thầy ra quán!”. Nhưng có một cuộc-nhậu-tập-thể, ngay tại phòng trọ, nhân dịp gặp gỡ, những lời rủ rê bùng phát mới thật vô tiền khoáng hậu. Tôi nhớ mình đã theo một tốp chừng 4-5 người, xúm vô ngồi nhậu, bàn tán chuyện trên trời dưới đất, nhất là chuyện trai gái sinh viên...

Giờ có quá nhiều cuộc nhậu “sang trọng”. Nhưng ký ức thì vẫn vậy, cũ xì, thô ráp và đẹp một cách kỳ lạ.


Công việc.

3. Sài Gòn là đất kiếm tiền. Trong vô số “công việc” có thể làm được, tôi có nhiều người bạn mỗi đứa mỗi công việc, ngành nghề khác nhau. Từ việc nặng đến việc nhẹ, từ bỏ chất xám đến bỏ chân tay ra mà lao động thì tôi bắt đầu bằng công việc phụ hồ. Tôi là một người sống có tâm linh, như duyên tiền định, cứ dần rẽ trong tôi một lối vào thật nhẹ nhàng, luôn sống đúng với lời Phật và người xưa dạy...

Trước khi bắt đầu bon chen với những công việc ngoài đời. Thú thực tôi chỉ là một thằng sinh viên nghèo lắm, nghèo khủng khiếp. Kể cả những khi đi học, những ngày đầu, với tôi bước vào trường với bộ quần áo cũ đã phai màu nắng mưa của thời trường phổ thông, thêm cả mùi mồ hôi mỗi ngày ướt đẫm trên áo vì đi học bộ. Vì tâm tính hay đi Chùa. Đôi lúc tôi nghĩ đến lối sống giản dị. Tôi không nhớ mình đã dùng bữa chay bao nhiêu lần, đến bao nhiêu ngôi chùa ở đất Sài Gòn, nhìn thấy các vị sư thật phúc hậu và từ tâm. Tất cả đều như một cơ duyên : những cuộc lướt qua - sau này trở thành thân thiết, và những mối quen biết khác...

Dần dà hình thành trong tôi, biết sống chân thực với hiện tại của mình. Trong tâm không ngừng cố gắng để vượt lên hoàn cảnh. Từ ngày bước vào chùa, tôi được nói chuyện và làm quen với rất nhiều người tốt, giúp đỡ tôi có được công việc để nuôi thân. Và đặt biệt là từ khi đi chùa tôi được gặp được một cô gái thật có tấm lòng vị tha. Chưa bao giờ tôi có thể mơ được là mình sẽ tìm gặp được một người con gái như ánh trăng đêm nhìn xuống hoa sen cắm dưới bùn tĩnh lặng... Chúng tôi như thuộc lòng những nghi lễ và những bài kinh trong nhà Phật. Thời gian ngoài, chúng tôi nói chuyện về Phật pháp và sự sống về kiếp người. Có khi nói chuyện rất lâu không biết là trời đã tối. Và đôi ba lần còn rủ nhau đi chùa chung. Trong sự yên lặng của không gian chùa, chúng tôi cảm nhận và đọc vị được ở nhau sự chân thực và niềm tin vào cuộc sống.
Đi chùa nhiều lần hơn, không phải để tán gẫu với bạn, mà để thỏa một niềm hoan lạc trong thân tâm : được tĩnh lặng, được nghe tiếng chuông chùa... Liệu bạn tôi có biết cho niềm đam mê ấy? Ôi tiếng chuông vô minh ngày nào khi còn trọ trên đường Thảo Điền tôi đã từng thức để “ráng” đọc cuốn Áo Nghĩa Thư và nghe vẳng đâu đó từ một ngôi chùa gần đó vọng về. Tiếng chuông chùa thanh thoát thì hãy còn đấy, nhưng thời gian và những huyền nghĩa từ Áo Nghĩa Thư theo tiếng chuông đã trượt khỏi tâm trí u mê của tôi từ lâu lắm...

Nhớ đến những ngôi chùa tôi đã từng đến và Qùy lạy những vị Phật đáng kính. Ngày chúng tôi theo học lời Phật dạy, đấy là những lúc tâm hồn như được trút bớt đi những gánh nặng, những lo toan, những đua chen, đua đòi, những mặc cảm và sự sang hèn. Khi nghe những lời của vị trụ trì thuyết giảng như dòng suối mát rưới vào tâm hồn. Thế là thói quen đi chùa, càng ngày thành thói quen của một người mộ đạo và nhận thấy duyên lành đã gieo rắc trong tâm hồn khi có bạn đồng tu, cùng chia sẻ với nhau những điều mà cuộc sống hàng ngày đã xô đẩy con người một sức ép rất lớn về cơm áo gạo tiền, những tranh chấp hơn thua trong cuộc sống. Chợt nghe bên tai những người đồng tu yêu mến nhau, nhưng giọng đầy từ hòa : “A di đà Phật...”. Ngày cuối tuần, những Phật tử đề về chàu để tụng kinh, nghe giảng pháp, nhìn Đức Phật từ bi mà lòng tự nhiên được thanh thản, nhẹ nhõm vô cùng.

Đi chùa, với những người đến cho vui thì là một chuyện khác. Nhưng để tìm cầu sự giải thoát của kiếp người, đã là một phần trong máu thịt tôi. Đây có lẽ là phần ký ức bình lặng nhưng đằm sâu, thanh khiết như đóa sen nở vô ưu trong khuôn viên nhà chùa. Sự đằm sâu ấy, đôi khi lại trỗi dậy với quá nhiều vọng động…

... Sài Gòn, bước ra đường quá ồn ào, náo nhiệt, nhưng vẫn có nhiều ngôi chùa được dựng lên, để giải đáp, nơi kiếm tìm của những con người muốn tìm thấy sự yên tĩnh, bình yên trong tâm hồn. 

Văn Đạo Tứ